Kết quả trận đánh Chiến_dịch_Đường_14_-_Phước_Long

Về quân sự

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là sự đóng góp, hy sinh rất lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân tỉnh Bình Phước. Đây là sự đóng góp to lớn về sức người, vật chất của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đã tích cực tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng toàn tỉnh. Nhờ có chiến thắng này Quân Giải phóng đã bước đầu đánh giá được thực lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.[33]

Chiến thắng Phước Long đã giúp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở thông được hành lang chiến lược (Đường Hồ Chí Minh) từ Vĩnh Linh vào đến Bù Gia Mập, nối liền với Lộc Ninh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ; nối liền các vùng chiếm đóng của họ với các căn cứ của Khu 6 trước đây từng bị cô lập ở Long Khánh, Bình Thuận. Với tuyến hành lang chiến lược từ Tây Trị-Thiên xuyên qua phía Tây cao nguyên Trung phần đến Đông Nam Bộ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã căng kéo tối đa các lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên ba Quân khu I, II và III trong khi Quân khu IV không thể đưa quân ứng cứu do phải bảo vệ phía sau lưng Biệt khu Thủ đô và là vùng phòng thủ cuối cùng trong trường hợp mất Sài Gòn. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có thể tự do di chuyển lực lượng dọc theo tuyến mặt trận này và tấn công Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại bất cứ địa bàn quân khu nào mà họ chọn.[34]

Sau giai đoạn đầu, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chiếm được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo. Vào ngày 6 tháng 1, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Chiến lợi phẩm ngoài dự tính này làm các nhà chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rất vui mừng: 17.000 viên đạn pháo còn nhiều hơn tổng số đạn mà Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trong suốt năm 1975. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn dược hơn ở các căn cứ lớn hơn. Do vậy, kế hoạch tấn công năm 1975 đã được điều chỉnh theo hướng tăng thêm cường độ và tốc độ tiến công (kế hoạch ban đầu dự tính sẽ giành thắng lợi trong 2 năm 1975-1976, nay được điều chỉnh là chỉ cần trong năm 1975 nếu thời cơ thuận lợi). Trong các chiến dịch sau đó, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rất tích cực sử dụng chiến lợi phẩm để khắc phục tình trạng thiếu đạn pháo của mình.[35]

Về chính trị

Việc để mất Phước Long đã gây ra những suy sụp về tinh thần trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đại tá Phạm Bá Hoa, phụ tá hành quân của đại tướng Cao Văn Viên nhận xét:

Có thể nói tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Không khí lo ngại bao trùm, ưu tư đè nặng mọi người. Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng để đối phó, hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Tình hình đó đã dồn chúng tôi đến sự hoang mang, bi quan.
— đại tá Phạm Bá Hoa, [29]

Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trận Phước Long đã củng cố niềm tin rằng họ có thể thắng trong cuộc chiến tranh này do phía Hoa Kỳ không có phản ứng gì hơn là điều một hạm đội vừa phải đến Biển Đông với những mục tiêu không rõ ràng là đe dọa hay thực sự tham chiến trở lại. Mục đích đó được giải đáp trong lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James R. Schlesinger trước báo chí: "Đây chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của Bắc Việt Nam" và thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Graham Martin với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Việc yểm trợ của Hoa Kỳ lúc này là chưa được phép"[36]

Ngay sau thất bại Phước Long, cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu trước về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn sẽ diễn ra trong nay mai. Ông viết:

Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là “thủ đô tiêu dùng” nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày...[37]